Tổ chức chương trình đào tạo văn minh thương mại, kỹ năng bán hành năm 2011.

 02:12 CH @ Thứ Tư - 11 Tháng Giêng, 2012

Tiếp theo các chương trình từ năm 2006 đến năm 2010 về đào tạo văn minh thương mại cho CBCNV công ty; về phong trào xây dựng “Cửa hàng văn minh - an toàn”, “Bến xuất văn minh - an toàn” và hội thi “Nhân viên bán hàng văn minh”; năm 2011, công ty Xăng dầu khu vực I tổ chức các lớp học đào tạo nâng cao văn minh thương mại và kỹ năng bán hàng cho toàn thể CBCNV đang làm việc tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Giáo viên trình bày bài giảng

Với mục đích để người lao động hiểu rõ hơn môi trường làm việc, về các kiến thức đã được trang bị, về các chế độ, quy định của Công ty; xác định đúng vị trí, vai trò và công việc mình làm, qua đó hoàn thiện, nâng cao kỹ năng bán hàng và mối quan hệ, ứng xử với khách hàng và đồng nghiệp văn minh hơn, chuyên nghiệp hơn.


Học viên trao đổi ý kiến với lớp học

Chương trình đào tạo có các nội dung: Văn minh thương mại và mối quan hệ giữa văn minh thương mại với thương hiệu doanh nghiệp; Tổng quan về nghề bán hàng và các kỹ năng cần có của người bán hàng chuyên nghiệp;Kỹ năng bán hàng (giao tiếp, lắng nghe, quan sát, xử lý các phản bác, duy trì và phát triển các mối quan hệ với khách hàng) và các hành vi vi phạm văn minh thương mại, gian lận thương mại trong bán hàng xăng dầu. Hậu quả đối với doanh nghiệp và kết quả hoạt động SXKD.

Bằng phương pháp giảng dạy sinh động, thông qua hệ thống slite, các bài tập xử lý tình huống thực tiễn trong bán hàng; vận dụng 4 kỹ năng giao tiếp cơ bản: hỏi, nghe, trả lời và nói. Với cách trình bày khúc triết, sinh động và dễ hiểu của tiến sỹ Phạm Văn Phổ, nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Hà Nội đến từ Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển kỹ năng quản lý (CDMS) đã thực sự thu hút lớp học. Người học lắng nghe giảng viên trình bày bài giảng và tích cực trao đổi, thảo luận. Tập trung cao độ nhưng không căng thẳng, trái lại không khí lớp học nhiều lúc sôi nổi, vui vẻ bởi những tiếng cười thoải mái của cả lớp.Những tình huống từ thực tế được trình bày không chỉ là một phép thống kê mà được phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng nhìn từ góc độ văn minh, giao tiếp. Qua đó liên hệ với thực tiễn, với những trải nghiệm, học viên sẽ dễ dàng chọn được cách ứng xử tốt nhất tại nơi mình làm việc.

Trong thời gian 2 tháng (tháng 6 và 7 năm 2011) đã có 10 lớp học được tổ chức với tổng số trên 1100 học viên tham gia.

Trước khi mở các lớp chính thức cho đối tượng đào tạo, Công ty đã mở một lớp thí điểm để lãnh đạo công ty, lãnh đạo các đơn vị, các phòng ban có liên quan trực tiếp theo dõi và tham gia góp ý kiến để giảng viên hoàn thiện giáo trình, chuẩn bị bài giảng đạt hiệu quả tốt nhất.


Thầy trò trao đổi: hỏi và trả lời

Mỗi lớp học khi kết thúc, học viên đều tham gia ý kiến vào phiếu đánh giá “chương trình đào tạo văn minh thương mại và kỹ năng bán hàng”. Mọi người đã có chung những cảm tưởng đây thực sự là một lớp học cần thiết để tham gia, nó thực sự mang lại ích lợi cho người lao động và doanh nghiệp. Có học viên còn viết những vần thơ tặng thầy và tặng lớp:

“Văn minh thương mại em ơi

Là hành vi đẹp, là lời nói hay.

Em bơm xăng bán hàng ngày,

Vui lòng khách đến mê say lòng người.

Nhìn em luôn nở nụ cười

Lòng anh xao xuyến bồi hồi nhớ thương

Hôm nay cơ chế thị trường,

Văn minh chuyên nghiệp sáng đường em đi”.

Văn minh chuyên nghiệp đó là yếu tố không thể thiếu được trong mỗi người lao động. Hệ thống cửa hàng bán lẻ càng mở rộng, Công ty càng phát triển, muốn bán được nhiều hàng thì yêu cầu tính văn minh chuyên nghiệp càng được nâng cao lên. Tính văn minh chuyên nghiệp đã được thông qua thực tiễn công việc của mỗi người và nay được bổ sung, nâng cao và hoàn thiện thông qua việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng của Công ty.

Chương trình đào tạo văn minh thương mại vừa được tổ chức là chương trình đào tạo thường xuyên, ngày một nâng cao và cũng nằm trong chiến lược phát triển của công ty Xăng dầu khu vực I. Đây cũng là một bước chuẩn bị tích cực, kịp thời và chuyển đổi về chất lượng lao động trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam hình thành tập đoàn kinh tế đa sở hữu./.

Nguồn:  Nguyễn Huy Hoàng  -  Chủ tịch Công đoàn Công ty