Có một lần đèo các con đi học qua Cửa hàng, tôi bảo chúng mẹ làm việc ở cây xăng này đấy. Thế là từ đó cứ mỗi lần đi qua cây xăng, hai đứa lại thi nhau chỉ trỏ: “Cây xăng của mẹ kìa, cây xăng của mẹ kìa”. Có lần, cô con gái lớn hỏi “Mẹ ơi cây xăng để làm gì ? Tôi hóm hỉnh trả lời “Cây xăng của mẹ tiếp xăng để giúp ô tô, xe máy chạy vù vù ngoài đường đấy con”. Tròn xoe mắt một lúc, “bé cún” líu lo: “ Mẹ giống siêu nhân của con, giống siêu nhân của con”. Tôi mỉm cười “Đúng là trẻ con”. Nhưng thật lòng, nghe những câu nói hồn nhiên ấy, tôi thấy lòng ấm áp và vui sướng lạ kì! Đối với tâm hồn non nớt, trong sáng của tuổi thần tiên, những cỗ sắt thép vừa nặng nề vừa hào nhoáng có thể di chuyển được - chở đồ, chở người, giống như những “ngôi nhà di động” - quả là điều kì diệu!
Niềm vui ấy vẫn lâng lâng theo tôi đến tận sáng hôm sau. Đến cửa hàng, như thường lệ tôi chào hỏi các anh chị đang bán hàng với nụ cười tươi rói và được đáp lại bằng những ánh mắt lấp lánh, cái gật đầu thân thiện - là nhân viên bán hàng trực tiếp nên đôi khi các anh chị phải kéo cao khẩu trang, tránh ngửi trực tiếp xăng dầu, gương mặt chỉ lộ ra đôi mắt. Tôi bước vào làm việc với tâm trạng hào hứng, dường như có một sức mạnh vô hình khiến tôi tập trung và thấy yêu công việc của mình hơn bao giờ hết, những thống kê, bảng tính, báo cáo… hàng ngày, hôm nay bỗng có sức hút kì lạ. Khi công việc tạm giải quyết xong, tôi thấy nhẹ nhõm, thư thái, hài lòng với thành quả của mình, và như một thói quen, hướng mắt ra khu vực bán hàng.
Lúc này, đã là giờ tan tầm, khách đến đổ xăng xếp dồn khá đông, thành hàng dài chờ đợi. Các nhân viên bán hàng tất bật, nhanh nhẹn nhưng vẫn không quên thực hiện chuẩn quy trình bán hàng 5 bước. Với khách nào, các anh chị cũng mỉm cười chào, vừa hỏi han nhu cầu vừa chỉ tay hướng về màn hình cột bơm giao hẹn số máy về 0, rồi bơm xăng, xác nhận số lượng, số tiền với khách, lúc nhận tiền vẫn không quên gật nhẹ đầu cảm ơn.
Trời xuân nồm ẩm, đứng ngoài cây xăng, các anh chị phải chịu thời tiết lúc nóng, lúc lạnh, lúc mồ hôi lấm tấm trên trán, lúc lại rét rùng mình. Khách hàng thì lùng bùng áo mưa, có người kiên nhẫn, điềm tĩnh chờ tới lượt, nhưng cũng có người cố chen lên phá hàng vì muốn được mua trước, thỉnh thoảng có khách chậm trả tiền làm ùn tắc phía sau, đôi khi có những va chạm, cự nự nho nhỏ giữa khách hàng với nhau xảy ra….Tuy vậy, các anh chị vẫn kiên nhẫn thực hiện công việc, vừa bơm xăng vừa lịch sự nhắc khách giữ hàng, vừa trả máy về 0 vừa khuyên khách bình tĩnh…. Những bàn tay chưa lúc nào ngơi nghỉ, những bước chân di chuyển không ngừng. Cứ thế, lượng khách này vừa vơi đi, lượng khách sau lại tới.
Sau mỗi lần kết thúc quy trình bán hàng của các anh chị, những chiếc ô tô, xe máy lại chầm chậm rời đi, tỏa theo mọi nẻo đường, về với tổ ấm thân yêu sau một ngày lao động cần cù. Chờ đợi những khách hàng của chúng tôi ở phía cuối hành trình là nồi cơm tỏa thơm mùi ấm nóng, là nụ cười ấm áp của một người vợ, người mẹ… là đôi mắt trong veo của những cô, cậu bé con…Còn các đồng nghiệp của tôi, họ vẫn đứng đó, cần mẫn, kiên trì, như những người trợ lực thầm lặng, tiếp thêm xăng, dầu - tiếp thêm động lực để những “chú ngựa sắt” đưa mọi người đến nơi cần đến.
Thu dọn xong đống sổ sách, đi ra khu vực bán hàng để hỗ trợ các đồng nghiệp, chợt nghĩ đến những lời của các con, tôi thoáng mỉm cười. Gì mà “siêu nhân”, gì mà “làm cho xe máy, ô tô chạy vù vù” chứ ! Nhưng cũng thật khâm phục trí tưởng tượng của “tụi nhóc”. Tụi nhỏ chỉ thấy rằng cái xe máy rất nặng, cái ô tô rất to, cứ đổ xăng dầu vào là chạy bon bon, như thế chuẩn là siêu nhân rồi! Vậy thì nếu có danh hiệu “siêu nhân” ấy, nhất định phải trao cho các đồng nghiệp của tôi - nhân viên bán hàng Petrolimex!