Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường

 04:06 CH @ Thứ Hai - 06 Tháng Tư, 2020

Một ngày đông tháng 12, những tia nắng trái mùa len qua chiếc rèm thưa chiếu thẳng vào căn phòng nhỏ. Tôi nheo đôi mắt, quờ tay vớ lấy chiếc kính đặt trên bàn. Đẩy nhẹ tấm cửa sổ, đôi tay nhanh chóng cảm nhận từng chút nắng hanh hao đang vui đùa trong gió.

Cạch...tiếng chốt cửa làm tôi giật nảy mình,vội ngoảnh đầu lại phía sau. Thì ra là mẹ tôi, bà cầm trên tay một tờ giấy gì đó và đặt lên bàn bảo tôi đọc.

Quyết định thử việc...!

Vâng, đó là một công việc mới của tôi trong thời gian sắp tới.
Tân binh.

Tôi - 27 tuổi, sinh ra và lớn lên trong lòng thủ đô Hà Nội. Suốt quãng thời gian hơn chục năm chỉ học hành và loanh quanh trong nhà nội trợ. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quyết định tự tìm kiếm một công việc liên quan đến ngành học. Nhưng "cuộc sống giống như hoa hồng, vẻ đẹp luôn đi cùng với gai".

Tuy đã tìm được một công việc nhưng nó lại trái với ngành nghề mà tôi được học. Một thử thách cần tôi chinh phục. Sau một thời gian dài học hỏi và góp nhặt những kinh nghiệm, tôi cũng gói gọn công sức của mình trong chữ "manager”. Và rồi mọi thứ nhanh chóng chấm dứt, nhanh như lúc nó đến.

Một ngày, mẹ nói với tôi "cảm xúc của con không kiên định và chữ tôi trong con quá lớn, hãy học cách kiểm soát ‘kẻ ngạo nghễ’ đang ẩn sâu trong con”. Và mẹ nói muốn tôi đi đến một nơi, nơi tôi có thể lấp đầy những khoảng trống thiếu xót của chính bản thân mình.

Chỗ làm mới, công việc mới, môi trường mới và những con người mới. Nắng giòn tan những ngày đầu xuân, gió bay bay qua từng lọn tóc, đón chào tôi như ngày xưa thuở mới cắp sách tới trường. Háo hức, hồi hộp nhưng cũng vô cùng lo lắng. Bởi những lý thuyết được học đôi khi không giống với thực tế. Như việc sử dụng thành thạo vòi bơm, ghi nhớ đâu là vòi dầu, đâu là vòi xăng và điều khiến tôi phải tập trung cao độ là khi sử dụng cò súng ở mỗi vòi bơm. Mỗi lần nhấc lên tôi phải dùng bằng cả hai tay, chúng nặng hơn tôi tưởng, nhìn mọi người và nghĩ thầm tại sao họ có thể sử dụng chúng một cách nhẹ nhàng đến như vậy! Còn điều khiến tôi sợ nhất là phải kéo cò, điều chỉnh sao cho xăng dầu trong vòi không trào ra ngoài. Những lúc như thế dường như tôi phải gồng hết hai bên cơ tay để có thể cầm chắc tay cò.

Mất khoảng gần một tháng, bàn tay phải của tôi tê bì không cảm giác. Giờ thì mọi việc đã ổn và dễ dàng hơn. Công việc mới tiếp xúc trực tiếp với khí hậu ngoài trời, không máy lạnh, không mái che và cũng không máy sưởi. Tôi nhớ những ngày hè oi ả, không khí như sôi sục trên mặt đường nhựa, phả hết sức nóng ra xung quanh. Đến hơi thở cũng như bị bóp nghẹn bởi sức nóng lên gần 40 độ. Những trưa nắng chói chang, tưởng chừng như có thể thiêu đốt mọi thứ trong tầm mắt. Cầm chiếc chổi để vệ sinh khu vực làm việc mà tôi cảm giác tấm lưng như bị chiên phồng bởi cái nắng hạ gắt gỏng.

Môi trường mới làm tôi có chút khủng hoảng tinh thần, nhưng điều đó cũng không thể làm khó được tôi. Với tính cách lì lợm và hiếu thắng, tôi coi đó là thử thách thể chất mà tôi cần bước đầu vượt qua và cứ thế tôi cố gắng từng ngày, từng chút một để cơ thể thích nghi với công việc hiện tại.

"Cách duy nhất để làm một công việc tuyệt vời là yêu việc bạn đang làm".

Nơi tôi đến là một cửa hàng nhỏ gần đường vành đai và gần khu chợ đầu mối. Nơi tôi đến là những cột bơm vừa cầm giẻ lau sạch bóng nhưng chỉ nửa tiếng sau đã lại phủ đầy bụi đường, tiếng máy kêu ro ro, tiếng cần gạt kêu lách cách. Những ngày đầu đi làm tôi được hướng dẫn thực hiện quy tắc "5 bước của quy trình bán hàng". Dù rằng trước kia luôn là người đi đào tạo nhân viên những quy tắc phục vụ khách hàng nhưng bây giờ khi làm nhân viên bán xăng tôi lại bị vấp phải quy tắc tưởng chừng như rất đơn giản nhưng không để ý sẽ dễ mắc phải: "Giơ tay giao hẹn số máy với khách mua hàng". Sau một tháng thử việc, tôi đã được cửa hàng trưởng nhắc nhở và cho tôi những lời khuyên “Nên hình thành thói quen cho bản thân trong khi làm việc “.

Khác với những trạm xăng ở trong nội thành, ở đây đa phần khách hàng là những người buôn bán, những chiếc xe chạy đường dài xuyên Bắc Nam. Một lượng lớn khách hàng từ khắp các vùng miền của đất nước.

Mới bước chân vào mô hình kinh doanh quy mô lớn, tôi không khỏi choáng ngợp, nên đôi khi bị động trong việc xử lý tình huống. Ví dụ như việc một số khách hàng không hiểu rõ quy trình vận hành của vòi bơm, họ cho rằng mỗi lần vòi bơm ngắt là bị ăn gian lượng xăng của họ. Nếu trước kia việc chăm sóc khách hàng mỗi khi họ đến dùng bữa tại nhà hàng, để họ có thể cảm nhận dịch vụ vượt trên cả sự mong đợi là điều dễ dàng. Nhưng bây giờ công việc này chỉ có hai đến ba giây để thuyết phục khách hàng tin tưởng và sử dụng dịch vụ thì lại là điều không đơn giản. Bởi guồng quay cuộc sống khiến con người ta hối hả, chẳng ai chậm rãi để nghe bạn trình bày hay diễn giải những lý thuyết miên man. Bạn phải tự tìm cách truyền đạt ngắn gọn, súc tích mà vẫn khiến họ hiểu rõ vấn đề. Tương tự rất nhiều tình huống xảy đến, mỗi câu chuyện là một vấn đề khác nhau. Nên đôi khi tôi không còn đủ tự tin như trước, đứng trước biển người rộng lớn tôi bỗng cảm thấy mình thật nhỏ bé.

Mặc dù vậy, tôi vẫn đứng dậy chiến đấu sau mỗi lần vấp ngã, không bỏ cuộc khi khó khăn đang thử thách chính mình. Bởi bên cạnh tôi vẫn có những người đồng nghiệp luôn giúp đỡ, động viên và sẻ chia.

Khi đọc tựa đề một cuốn sách bạn không thể hiểu hết nội dung trong đó viết những gì. Hay có những tập sách bạn đọc đi đọc lại nhưng cũng không hiểu trọn vẹn ý nghĩa tác giả muốn truyền tải. Mà cuộc sống thì chỉ có lời tựa, chứ không có lời kết. Mỗi một ngày qua đi, mỗi một năm chuyển động có biết bao nhiêu "kiến thức" được hình thành ở nhiều trạng thái, hình dạng khác nhau. Nơi tôi chọn công tác làm việc lại có bề dày lịch sử hơn 60 năm. Đó sẽ là kho vàng "kiến thức" mà cần những người thợ mỏ kiên trì khai thác và đào sâu.

Thế nhưng có một số người, bạn bè có, khách hàng có, thắc mắc hỏi tôi "Tại sao trẻ vậy không học hành tử tế mà đi bán xăng làm gì?" Nếu là một câu nói đùa, bạn có thể cười trừ và không suy nghĩ gì cả. Nhưng nếu thành nhiều "câu nói đùa" thì trong mặt hồ phẳng lặng suy nghĩ sẽ có những gợn sóng lăn tăn. Thực sự điều đó đã làm tâm trạng tôi chùng xuống. Tôi không rõ mọi người hiểu thế nào về công việc của chúng tôi. Nhưng nếu để đứng trước cộng đồng, đứng trước xã hội thì công việc của chúng tôi đòi hỏi những kỹ năng và kiến thức khá cao, vì vậy những người công nhân vẫn phải đang học tập hàng ngày hàng giờ. Những khoá đào tạo kỹ năng vẫn được tổ chức thường xuyên, nhân viên luôn phải cập nhật, tiếp cận với các công nghệ và dịch vụ bán hàng tiên tiên nhất, mới nhất. Và những cuộc đua "tri thức" không ngừng nghỉ vẫn đang diễn ra đó thôi.

Vậy mà nghề của chúng tôi lại bị đánh giá thấp một cách bạc bẽo và cay đắng như thế? Tức giận. Đó là những cảm xúc nóng vội của tôi ngày trước, nhưng về sau này khi bản thân hiểu rõ công việc thì tôi thấy mình cần hành động nhiều hơn là cứ ngồi một chỗ suy nghĩ ấm ức. Những kiến thức mới mẻ làm tôi say mê, nào là bán hàng tự phục vụ- phương thức bán hàng mà những nhân viên phải biết làm công việc của một phát thanh viên, nào là thanh toán không dùng tiền mặt qua OPT – đòi hỏi nhân viên bán hàng lại như một cán bộ ngân hàng thực thụ, cuối mỗi ca ngồi làm báo cáo trên phần mềm Egas- lại như một dân IT chính thống. Đặc biệt, tôi không bỏ lỡ cơ hội đi hỗ trợ các cửa hàng khác khi cần. Vì mỗi một cửa hàng đều có một cách quản lý hoạt động khác nhau, thậm chí là mô hình cũng khác nhau. Nên muốn hiểu hết được cách làm việc và làm quen với các thiết bị máy móc hiện đại để phát triển bản thân mình thì không thể không ngừng học hỏi ở bất cứ đâu.

Và những điều ấy đã giúp nỗi buồn thoáng qua mau, chỉ còn sự mải miết, bận rộn tháng ngày. Tôi và những đồng nghiệp luôn tự tạo ra những niềm vui cho mình và lan tỏa tinh thần vui vẻ yêu đời tới những khách hàng thân yêu.

"Đừng quá lo lắng cho con đường mình đã chọn, vì thái độ bước đi trên con đường ấy mới thực sự quan trọng".

Nơi nào có ý chí, nơi ấy có con đường!

Nguồn:  Hoàng Lệ Giang  -  Nhâ viên bán lẻ Petrolimex _ Cửa hàng 71, Xí nghiệp bán lẻ Xăng dầu
Petrolimex Hà Nội