Xăng dầu là cái nghề vất vả.
Đứng trong đội ngũ xăng dầu ai cũng tự hào nhưng ai cũng thừa nhận đúng là vất vả thật.
Điều đó đúng với mọi người. Đối với phụ nữ thì rõ ràng là càng vất vả hơn. Có lẽ, phải dùng đến hai chữ “cực nhọc” mới chính xác.
Nói như vậy không phải là “kể khổ”. Trong cuộc sống, có nhiều công việc, nhiều nghề nghiệp cũng vất vả, cực nhọc. Điều tôi muốn nói là xăng dầu nằm trong số đó.
Không chỉ người lao động trực tiếp vất vả với nhập hàng, bán hàng, đặc biệt trong giờ cao điểm, lúc ca kíp, lúc nắng mưa.
Cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ vất vả với kiểm kê, thay đổi giá cho đúng thời điểm; báo cáo kịp thời, chính xác; triển khai các dịch vụ chuyển tiền nhanh, kinh doanh sơn và sắp tới đây là chương trình quản lý cửa hàng xăng dầu (Egas) do Piacom triển khai.
Tất cả đều phải hoàn thành đúng quy trình, đúng tiến độ, có chất lượng.
Bên cạnh đó là việc nhà với thiên chức cao quý của người mẹ và bổn phận của người vợ. Được các đấng phu quân tôn vinh là “nội tướng”, “tề gia nội trợ”. Vui đấy, oai đấy, vinh dự đấy và cũng vất vả đấy. Những việc không tên ngày nào cũng có. Việc không tên nhưng cần không ít thời gian, không ít sức lực và tinh thần trách nhiệm.
Làm sao cho được chỉnh chu việc cơ quan, việc nhà; nhất là lúc bố mẹ chồng “trái nắng trở trời”, con cái ốm đau.
Nếu ví cơ quan là ngôi nhà thứ hai thì Công đoàn chính là điểm tựa để nữ công nhân viên chức lao động Petrolimex Hà Nội hoàn thành cả 2 trọng trách ấy.
Phụ nữ ở Petrolimex Hà Nội có 728 chị em, chiếm 44% trong tổng số 1.645 lao động (số liệu tính đến ngày 31.5.2013). Công đoàn và Ban nữ công đã thực sự là địa chỉ gắn kết chị em với nhiều họat động phong phú, thiết thực.
Vui nhất là khi được tôn vinh, được mọi người tươi cười chào đón vào cái ngày 08/3, ngày 20/10. Vui hơn nữa là được tham dự các buổi nói chuyện về kinh nghiệm nuôi con khỏe dạy con ngoan. Rồi được đi dã ngoại, thăm quan các di tích lịch sử để hiểu về truyền thống bất khuất của dân tộc Việt; để thương hơn, yêu quý hơn đất nước mình; để thấy Phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” biết nhường nào.
Chỉ thế thôi là mọi vất vả hàng ngày lại tan biến. Lại thấy mình khỏe hơn, nghị lực hơn và đảm đang hơn. Đó chính là cái cội nguồn của sức mạnh để vượt khó, tiến lên. Cái sức mạnh của tinh thần, sức mạnh của tình cảm ấy thật là to lớn.
Nhiều chị em đã trưởng thành chính từ những vất vả ấy. Từ người công nhân bình dị; trải qua đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện; rồi được bổ nhiệm làm cửa hàng trưởng. Hiện nay, đã có 48 chị em (chiếm 43% trong tổng số 112 cửa hàng trưởng) đang sánh vai thi tài cùng các đấng “mày râu” trong công tác quản lý, điều hành cửa hàng xăng dầu. Nhiều chị em đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, ngày càng phát huy tốt hơn vai trò và phẩm chất của mình. Nhiều chị được tổ chức tín nhiệm, giao nhiệm vụ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn.
Ở Petrolimex Hà Nội, những cái tên Nguyễn Thị Minh Hiền, Lý Thị Phúc, Lê Thị Ánh Hồng, Nguyễn Ngọc Lan, Vũ Thị Thu Hường, … đã trở thành niềm tự hào, tấm gương sáng để mọi người làm việc, noi theo. Trong toàn Tập đoàn (Petrolimex cùng các đơn vị thành viên), chắc chắn còn rất nhiều người như vậy.
Vinh dự bao giờ cũng đi đôi với trách nhiệm. Đó là điều tất yếu.
Nhiều hôm có việc phải về muộn, ai đón con đây, ông xã nấu cơm không hay là lại cho cả nhà ăn mì tôm đây. Có ông lại còn nghi ngờ nữa chứ. Nhưng sự thật, cởi mở và lòng trung thực đã hóa giải được tất cả. Khi hiểu ra, các ông ấy lại thương yêu hơn. Con cái cũng thương mẹ hơn. Trong cuộc sống gia đình, được thương yêu thì còn gì hơn thế nữa.
Cũng vì thế mà Công đoàn, Ban nữ công Petrolimex Hà Nội càng mạnh hơn; phát động phong trào gì cũng được chị em hưởng ứng, ủng hộ hết mình.
Ngoài kia là kinh tế thị trường đang ngày càng sôi động, cuộc sống dường như ngày càng phức tạp. Chị em phụ nữ Petrolimex Hà Nội - người sôi nổi, người trầm lắng; đang từng ngày từng ngày nỗ lực chăm lo, xây dựng với ước mong hai ngôi nhà ấy ngày càng lớn mạnh hơn, tiến xa hơn.