08:57 SA @ Thứ Sáu - 13 Tháng Ba, 2020

Hà Nội, ngày mùng 01 tháng 03 năm 2020

Con à!

Mẹ rất vui và tự hào vì con đã trở thành sinh viên trường Đại học Ngoại Thương, ngôi trường con hằng mơ ước bấy lâu, cũng là niềm mong ước mà bao nhiêu bạn bè đồng trang lứa không với tới được. Thế nhưng con lại buồn rầu nói với mẹ rằng tuy con đỗ vào đúng trường con thích nhưng lại không phải vào đúng chuyên ngành mà con muốn. Hôm nay mẹ kể cho con nghe câu chuyện của cuộc đời mẹ, biết đâu con lại ngộ ra điều gì đó cho bản thân.

Mẹ bước vào nghề khi tuổi mới đôi mươi…

Trước ngưỡng cửa mới của cuộc đời, mẹ cũng lo lắng, hoang mang về công việc của mình như con vậy. Chỉ có một điều khác, con thì nghĩ đến đam mê đến hoài bão, còn mẹ thì nghĩ đến kế sinh nhai để trang trải cuộc sống. Thật tình cờ, mẹ nộp đơn và trúng tuyển vào công ty xăng dầu. Cái duyên của mẹ với nghề cũng bắt đầu từ đó.

Thời đó, đối với những thế hệ sinh năm 75 -76 như mẹ, công nhân xăng dầu là một trong số các công việc đáng mơ ước. Vì nó ổn định, được bảo hiểm đầy đủ, giúp nuôi sống được gia đình. Thời điểm mới đặt chân vào nghề, mẹ làm việc tại Công ty Xăng dầu Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây có lẽ là quyết định khó khăn đầu tiên mà mẹ phải đối mặt - phải rời xa gia đình ngoài Bắc để đến công tác ở một nơi cách hai tiếng đồng hồ ngồi máy bay. Khó khăn lại chồng thêm khó khăn, cửa hàng mẹ làm việc rất xa nhà, nhân viên lại không nhiều, mẹ phải ở lại trông cửa hàng những mấy ngày mới được về nhà một lần. Những tối một mình ở cây xăng khiến mẹ chạnh lòng, cô đơn. Nhiều lần tự hỏi, liệu mẹ có thể vượt qua được không? Nhưng con ạ, ông trời chẳng bất công với ai cả. Trong những khoảnh khắc mệt mỏi, buồn tủi ấy, mẹ lại có một niềm an ủi, khích lệ. Đó là giọng nói bi bô tập nói của con qua những cuộc gọi điện thoại hay những lời hỏi han, động viên đến từ các vị khách hàng nồng hậu… Tất cả, đã thầm nhen nhóm ngọn lửa tình yêu với nghề, với
Petrolimex, nhắc mẹ không bao giờ được gục ngã trước những đoạn đường gồ ghề trên con đường mẹ đã chọn.

Năm 2009, nhà mình chuyển ra Hà Nội…

Thời gian ấy, mẹ có cơ hội làm việc tại Công ty Xăng dầu khu vực I. Công việc đã khác so với trước đây. Thay vì là công nhân bán lẻ ở cửa hàng như 14 năm trước, mẹ được chuyển sang một vị trí mới: một thành viên trong tổ Téc thuộc Đội giao nhận Tổng kho xăng dầu Đức Giang. Lúc đầu cũng có nhiều bỡ ngỡ, vì ở đây mẹ làm việc với rất nhiều người, tính chất công việc cũng khác, song có một niềm vui là mẹ được làm việc gần nhà, không phải đi tận mấy ngày như trước nữa, cũng được gần các con nhiều hơn. Mẹ vẫn nhớ ngày đầu tiên đi làm, mẹ gần như phải học lại từ đầu tất cả mọi thứ: xuất hàng cho xe xi téc, rồi hút bể, xuất P… Lúng túng lắm, làm gì cũng chậm chạp. Song nhờ có sự giúp đỡ của tất cả mọi người trong tổ mà mẹ đã nhanh chóng hòa nhập với công việc. Mọi người ai ai cũng nở nụ cười động viên, hướng dẫn tận tình. Sự niềm nở ấy giúp mẹ tự tin làm quen với khởi đầu mới.

Nhiều năm về trước, đã có lần, con hỏi mẹ: “Sao mẹ lại chọn công việc này thế? Chẳng an toàn chút nào, mà ảnh hưởng sức khoẻ”. Mẹ nghĩ, chắc bởi mùi xăng hòa với mùi mồ hôi ám đầy quần áo của mẹ, mẹ biết con không thích nghề của mẹ nên chỉ đáp vui: “Không làm lấy gì mà ăn chứ”. Nhưng con à, mẹ biết, đối với các con, công nhân xăng dầu không phải là một công việc mà các con ưu tiên lựa chọn. Nhưng đối với mẹ, nó mang một ý nghĩa khác. Từng chặng đường trong cuộc đời mẹ, mỗi giai đoạn đi qua, mẹ đều gắn bó khăng khít với công việc ấy.

Con biết đấy. Có đôi khi... vì gắn bó quá lâu mà trở thành yêu...

Tổng kho là nơi cung cấp phân phối cho toàn miền Bắc nên mẹ được nghe kể rất nhiều chuyện vui của các bác các chú lái xe từ khắp các tỉnh thành về đây lấy hàng. Những câu chuyện vặt vãnh được gom góp từ khắp các nẻo đường ấy chính là niềm vui lớn để mẹ tiếp tục gắn bó với nghề. Mặc dù vất vả, nhưng mẹ chưa bao giờ nản lòng với lựa chọn của mình. Bởi không chỉ có niềm vui từ những người đồng nghiệp, từ những câu chuyện giản dị trong đời sống, công việc, mà môi trường làm việc của mẹ và các đồng nghiệp cũng thật sự rất ổn, cơ sở vật chất khang trang, máy móc, thiết bị hiện đại, con sẽ chẳng thể nào ngửi thấy mùi xăng nếu có dịp được vào tham quan nơi làm việc của mẹ, bởi đã có Hệ thống thu hồi hơi hiện đại hoạt động suốt ngày đêm, con sẽ thấy vườn hoa, ao cá, những hàng cây rợp bóng dọc lối đi. Những người công nhân như mẹ nếu làm việc tốt cũng có cơ hội được đi trao đổi, học tập trong và ngoài nước. Những chuyến tham quan, dã ngoại, những buổi giao lưu đầy ắp niềm vui, tiếng cười làm mẹ thấy ở đây cũng như chính gia đình của mình vậy.

Khi trải qua hơn nửa cuộc đời với cả những niềm vui, áp lực của công việc, với những con người nồng hậu, dễ mến, với những kinh nghiệm quý báu có được từ nơi đây, mẹ thấy mình thật may mắn và vinh dự. May mắn vì mẹ đã lựa chọn đến với nghề, và vẫn tiếp tục nuôi dưỡng tình cảm gắn bó với màu áo xanh của người công nhân xăng dầu. Còn vinh dự bởi mẹ đã đi một quãng đường dài cùng với Tổng kho, với Công ty Xăng dầu khu vực I. Mẹ phải cảm ơn Petrolimex Hà Nội vì đã trở thành một phần trong cuộc sống của mẹ!

Con ơi,

Mẹ đến với nghề như vậy đấy. Có khó khăn, có thử thách, có gian khổ nhưng cũng có niềm vui, niềm hạnh phúc, niềm bất ngờ. Khi nghề đã chọn mình, mẹ biết nắm bắt những cơ hội ấy, biết chấp nhận nó, đối diện và giải quyết vấn đề chứ không phải là buông bỏ, trốn tránh.

Nhiều khi nghề nghiệp nó là cái duyên. Con biết đấy, nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề. Cuộc sống giống như một con đường, nó sẽ luôn làm chúng ta bối rối trước nhiều ngã rẽ. Không có ngã rẽ nào là dễ dàng, cũng không có lối đi nào chỉ toàn chông gai. Điều quan trọng, dù lựa chọn thế nào, con hãy cứ tin tưởng đi đến cuối cùng, rồi con sẽ tìm được tình yêu đối với nghề, giống như mẹ đây, sau hơn nửa chặng đường đi qua, mẹ đã tìm thấy một Bến xuất yêu thương.

Mẹ hi vọng con cũng sẽ tìm được một “bến xuất” mà con yêu thương trong tương lai sắp tới. Mẹ và gia đình mình luôn tin tưởng và ủng hộ con!

Mẹ của con.Mẹ của con.

Nguồn:  Phạm Thị Mai  -  Công nhân Đội giao nhận - Tổng kho XD Đức Giang
Petrolimex Hà Nội