Những anh hùng hy sinh thân mình giữ dòng chảy xăng dầu được thông suốt

 04:01 CH @ Thứ Tư - 27 Tháng Bảy, 2022

Những người “chiến sỹ” xăng dầu Đức Giang đã chiến đấu ngoan cường dưới mưa bom bão đạn. Máu của anh đã đổ, đối lấy “huyết mạch” xăng dầu thông suốt.

Những ngày cuối tháng 7/2022, trong không khí cả nước đang thực hiện những chương trình ý nghĩa, thiết thực đền ơn, đáp nghĩa những người đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, theo chân chị Nguyễn Thị Minh Hiền, Chủ tịch Công đoànCông ty Xăng dầu khu vực I, phóng viên Báo Công Thương có mặt tại gia đình anh Lê Xuân Quảng, con trai của liệt sỹ Lê Xuân Ba - một trong hai chiến sỹ xăng dầu quả cảm đã hy sinh ngày 16/4/1972, khi bom Mỹ đánh phá Tổng kho xăng dầu Đức Giang (Công ty Xăng dầu khu vực I).

Chị Nguyễn Thị Minh Hiền, Chủ tịch Công đoàn Công ty Xăng dầu Khu vực I (áo xanh) cùng anh Lê Xuân Quảng và các thành viên trong gia đình dâng nén hương thơm tưởng nhớ liệt sỹ Lê Xuân Ba.

Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ 90, phố Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội, anh Quảng cùng các thành viên trong gia đình rất cảm kích trước sự quan tâm của lãnh đạo công ty nói chung và tổ chức công đoàn nói riêng đã dành sự quan tâm đặc biệt đến các gia đình liệt sỹ.

Anh lê Xuân Quảng kể lại những ký ức ngày cha anh hy sinh

Mời chúng tôi ly trà xanh trong phòng khách thoảng mùi hương trầm, anh Quảng cho biết, khi cha hi sinh, anh chưa ra đời, chị gái cả mới 4 tuổi, chị thứ hai mới 2 tuổi, những ký ức về cha, các anh, chị chỉ được nghe từ mẹ và các đồng nghiệp của cha kể lại.

Đó là ngày 16/4/1972, máy bay Mỹ đã tấn công Kho Đức Giang rất dữ dội. Hôm đó là ngày Chủ nhật, toàn thể cán bộ, công nhân viên công ty đi lao động đào hầm, hào phòng không nên kho rất vắng người. Bom Mỹ đã đánh cháy bể số 8 với nguy cơ lan rộng. Lúc đó, bác Trần Thục là Phó chủ nhiệm công ty đã chỉ huy tổ trực chiến nhanh chóng có mặt để chữa cháy, chặn lửa, cứu xăng dầu.

“Trong cuộc chiến không cân sức, cùng với các đồng nghiệp bằng mọi giá giữ, cứu lấy dòng xăng dầu, cha tôi là Lê Xuân Ba, khi đó ông là Đội phó đội bảo vệTổng kho Xăng dầu Đức Giang đã anh dũng hi sinh”- anh Quảng kể lại.

Cán bộ Công đoàn Công ty Xăng dầu Khu vực I và ông Trương Xuân Tùng dâng nén hương thơm tưởng nhớ liệt sỹ Trương Xuân Lộc

Khác với gia đình anh Quảng, ông Trương Xuân Tùng con trai liệt sỹ Trương Xuân Lộc khi đó đã học lớp 7, dù không trực tiếp chứng kiến cảnh bom Mỹ bắn phá Tổng Kho Đức Giang nhưng sự tiêu điều của Tổng kho sau những trận bom thì ông nhớ mãi không quên.

Ông Tùng kể lại, khi đó tôi đang học lớp 7, được gia đình cho sơ tán bên Thanh Xuân. Ngày 16/4, khi sự việc xảy ra, bên này báo tin và cho xe sang đón tôi về. Khi về đây, chứng kiến khung cảnh Tổng kho siêu vẹo hết cả, nhà kho nơi thì bị cháy, nơi bị bom đánh sập.

Cha tôi khi đó là Đội trưởng đội bảo vệ Tổng kho Xăng dầu Đức Giang. Khi máy bay Mỹ bắt đầu bắn phá, ông đi kiểm tra và nhắc nhở anh emtrong công ty đang đào hầm trú ẩn chú ý an toàn thì bị bom bi bắn trúng. Ông bị thương ở chân phải và một vài mảnh bi găm vào người. Dù được các đồng nghiệp và người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng do mất quá nhiều máu nên ông không qua khỏi”-ông Tùng bùi ngùi kể.

50 năm qua, không chỉ tự hào về sự hy sinh vì nhiệm vụ, vì đất nước của cha, ông mà khi lớn lên hầu hết những người con trai, con gái và các cháu của liệt sỹ Lê Xuân Ba và liệt sỹ Trương Xuân Lộc đều bước tiếp trên con đường mà cha, ông mình đã chọn là tiếp tục cống hiến vì sự nghiệp phát triển của Công ty Xăng dầu khu vực I.

Có thể nói, với tinh thần “coi vị trí sản xuất là vị trí chiến đấu”, cán bộ, người lao động Tổng kho Xăng dầu Đức Giang đã dũng cảm bám trụ, chiến đấu ngoan cường dưới mưa bom bão đạn. Dù máu các anh đã đổ, nhưng huyết mạch xăng dầu vẫn thông suốt, liên tục từ đồng ruộng đến nông trường, công trường, nhà máy, vượt Trường Sơn khói lửa, tới chiến trường miền Nam ruột thịt.

Lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể, cán bộ, công nhân viên Công ty Xăng dầu Khu vực I dâng hoa tại Bia di tích cách mạng kháng chiến

Nửa thế kỷ đã trôi qua, tên tuổi của cácliệt sỹđã được mãi khắc ghi trong trang sử vàng truyền thống và trong trái tim của các thế hệ cán bộ, công nhân viên Công ty Xăng dầu khu vực I. Chị Nguyễn Thị Minh Hiền cho biết, trước sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ và để ghi nhận chiến công của cán bộ, công nhân viên Tổng kho xăng dầu Đức Giang; đồng thời để các thế hệ con cháu không quên những ngày tháng oanh liệt, hào hùng chiến đấu gìn giữ Kho Đức Giang, ngày 3/2/2010, sau một thời gian xây dựng và được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, Công ty xăng dầu khu vực I đã khánh thành và gắn biển Bia di tích cách mạng kháng chiến ngay trong khuôn viên của công ty.

“Vào những ngày Lễ, Tết và dịp 27/7 lãnh đạo cùng cán bộ, công nhân viên công ty đều có mặt, dâng hoa tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sỹ” - chị Hiền chia sẻ.

Những năm qua, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồ”, Công ty Xăng dầu Khu vực I luôn đặc biệt quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa

Bên cạnh đó, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Công ty Xăng dầu khu vực I luôn đặc biệt quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, coi công tác thương binh, liệt sỹ là lương tâm, trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả. “Các hoạt động đầy ý nghĩa, nhân văn của Ban lãnh đạo, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh công ty trong nhiều năm qua là những tình cảm chân thành, sâu sắc, thể hiện nét đẹp truyền thống văn hóa Petroimex Hà Nội” - chị Hiền nói.

Chị Nguyễn Thị Minh Hiền, Chủ tịch Công đoàn Công ty Xăng dầu Khu vực I chăm sóc phần mộ của liệt sỹ Trương Xuân Lộc tại nghĩa trang liệt sỹ Yên Thường (Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội)

Ông Nguyễn Đồng, Chủ tịch Công ty Xăng dầu Khu vực I thăm mộ liệt sỹ Trương Xuân Lộc

Lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể, cán bộ, công nhân viên Công ty Xăng dầu Khu vực I thăm mộ liệt sỹ Trương Xuân Lộc nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sỹ 27/7/1947-27/7/2022