09:45 SA @ Thứ Hai - 08 Tháng Tư, 2019

Thưở thiếu thời, khi đang là một cô bé ngồi trên ghế nhà trường với bao mộng mơ của tuổi học trò, tôi ước mơ sau này sẽ có cuộc sống gia đình hạnh phúc và một công việc thật ổn định.

Lớn lên khi bước vào tuổi 17, tôi cũng như bạn bè cùng trang lứa khác, hào hứng đăng kí thi đại học với ngành học yêu thích với mong muốn sau này sẽ trở thành một cô kĩ sư địa chất.

Nhưng đâu ngờ, cuộc đời tôi lại rẽ sang một trang khác, khi biết rằng năng lực của mình chỉ dừng lại ở đó. Cái ngày, nghe tin mình trượt đại học, nhìn ánh mắt mẹ đượm buồn mà lòng tôi đau nhói. Tôi không biết con đường mình bước tiếp sẽ ra sao? Tôi cảm thấy thực sự có lỗi khi bao hi vọng của bố mẹ vào một đứa con gái như tôi bị dập tắt.

Thế rồi, cái gì đến cũng phải đến. Tôi đăng kí nguyện vọng 2 vào ngành xăng dầu của một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Đối với tôi, từ một cô gái quê mùa, mới lớn, bước chân lên thành phố với bao bỡ ngỡ, buồn tủi vì bắt đầu cuộc sống mới, không có bố mẹ, người thân bên cạnh động viên, an ủi. Nhiều khi cảm thấy mình đang bị bỏ rơi, lạc lõng giữa cái thành phố xô bồ, tấp nập này!

Tôi! Xuất thân trong một gia đình bố mẹ đều làm nông, kinh tế gia đình không mấy dư giả. Thế nên ngay từ ngày đầu tiên đặt chân lên thành phố tôi đã phải tự mình bươn chải vừa đi học, vừa đi làm. Công việc hàng ngày cứ thế trôi qua, nào thì xin làm tạp vụ, khi thì bán giầy dép, quần áo….có một thời gian dài tôi theo bán mỹ phẩm cho hãng Oriflame.

Nhiều khi, màn đêm buông xuống, lê bước chân nặng nhọc về xóm trọ, tôi cảm thấy mình thực sự kiệt sức. Rồi sáng mai giật mình thức giấc, không biết rồi cuộc sống sau này mình sẽ ra sao?

Thế rồi, thấm thoát ba năm trôi qua. Ba năm! tôi đã không ngừng cố gắng, cuối cùng cũng được vinh danh nhận tấm bằng tốt nghiệp. Các bạn cùng lớp khi tốt nghiệp thì vui lắm, nhưng với tôi lúc này là cả một nỗi lo và cả hàng trăm, hàng nghìn câu hỏi đặt ra nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

Không biết rồi mình sẽ làm gì? Cuộc sống sau này mình sẽ ra sao? Có nên tiếp tục ở cái thành phố tấp nập này nữa không?.... hay về quê với mảnh đất cằn cỗi nối nghiệp bố mẹ cùng mấy sào ruộng, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn phải chạy ăn từng bữa.

May mắn sao! Một thời gian ngắn sau khi ra trường tôi được nhận vào làm tại cửa hàng xăng dầu số 72 thuộc Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Hai mươi hai tuổi - ngày đầu khoác trên mình chiếc áo màu cam xanh tôi thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, không còn là một cô bé ảo tưởng về một cuộc sống bay bổng, đầy màu sắc.

Tôi cuốn theo vòng xoáy của công việc với những hôm trực đêm rồi tăng ca. Đối với một đứa con gái mới lớn, đang tuổi ăn, tuổi ngủ, quả như một cơn ác mộng. Bởi cuộc sống của tôi dường như hoàn toàn bị đảo lộn. Từ một cô bé yêu thích những tin nhắn trên yahoo, facebook, hay những ngày lễ được xúng xính quần áo đẹp đi chơi với người yêu. Thì giờ đây, chỉ còn những cuộc gọi vội vã, những tin nhắn không đầu không cuối, hay những bó hoa còn không kịp nhận. Nhiều lúc, bị người yêu bảo mình quá vô tâm. Nhưng rồi, anh ấy dần cũng hiểu được một phần công việc của mình khá vất vả và bận rộn.

Chị Nguyễn Thị Thúy - Nhân viên bán hàng CHXD số 73 - Xí nghiệp bán lẻ Xăng dầu

Ngày được nhận đồng lương đầu tiên, tôi đã rơi nước mắt. Vì thành quả mình nhận được hoàn toàn xứng đáng từ những giọt mồ hôi lăn dài trên má. Tôi tung tăng đi mua cho bố một đôi giầy, cho mẹ cái áo khoác và cho cu em vài quyển sách. Tuy đồng lương lúc ấy chưa nhiều nhưng sao tôi cảm thấy giá trị của đồng tiền nó lớn lao đến như vậy. Nhìn ánh mắt ươn ướt của bố mẹ, nụ cười tươi rói của thằng em, tôi thầm cảm ơn Nghề đã cho tôi biết những giá trị đầu tiên, đích thực của cuộc sống là như thế nào.

Hai lăm tuổi - tôi quyết định lập gia đình với mối tình 5 năm. Vợ chồng hai bàn tay trắng lăn lộn giữa cái thành phố đất chật người đông này. Cuộc sống vô cùng vất vả trong cái nhà trọ vỏn vẹn 15m2. Đồng lương hai vợ chồng lúc ấy còn hạn chế, nhưng rồi vẫn động viên nhau hàng ngày, hàng giờ cần phải cố gắng. Rồi đứa con đầu ra đời, nhìn cảnh con thiếu thốn đủ mọi thứ mà lòng tôi đau thắt lại. Có những hôm đi làm về trời nắng nóng 40 độ, nhìn hai bà cháu bồng bế nhau mồ hôi nhễ nhại trong cái nhà trọ chật hẹp ấy, tự nhiên khóe mắt cay cay.

Với đà phát triển của xã hội, với sự phát triển của Công ty và cửa hàng, cuộc sống của người công nhân như tôi ngày càng tốt hơn lên, thu nhập dần được cải thiện. Ba năm sau ngày cưới, từ những đồng tiền lương, tiền thưởng, vợ chồng tôi đã tích cóp được một khoản, vay mượn thêm họ hàng hai bên và anh chị em đồng nghiệp, gắng gượng cũng mua được căn nhà nho nhỏ. Dù cũng không rộng hơn căn nhà trọ là mấy, lại ở tít ngoại ô, nhưng các bạn biết không? đó là cả một ước mơ quá cao sang của một con bé nhà quê tỉnh lẻ như tôi đấy!

Thời gian thấm thoát thoi đưa, năm nay tôi cũng đã bước sang tuổi 30. Vẫn công việc ấy, vẫn bộ quần áo cam xanh mà tôi luôn gìn giữ ấy. Nhưng giờ đây cuộc sống gia đình tôi đã dần ổn định: nhà có, xe có và có hai đứa con trai chăm ngoan, học giỏi. Đi bên tôi là người bạn đời luôn thấu hiểu, thông cảm với công việc của vợ, quan tâm, chia sẻ, động viên. Đối với tôi lúc này cuộc sống vậy là đã quá viên mãn rồi.

Một lần nữa, và nhiều lần nữa, tôi muốn nói “Cảm ơn nghề” đã mang lại cho tôi cuộc sống như ngày hôm nay!

Nguồn:  Nguyễn Thị Thúy  -  Nhân viên bán hàng CHXD số 73 - Xí nghiệp bán lẻ Xăng dầu
Petrolimex Hà Nội