Phần 1: Ngày định mệnh
Mùa hè năm nay thật nóng nực. Cái nóng ở Hà Nội không giống như nóng ở nơi khác!. Trời không một gợn mây, cây cối đứng im lìm cứ như gió đã đi đâu mất không về nơi này. Hơi nóng từ đường nhựa phả lên, các khu nhà bê tông thì nhiều làm cho nhiệt độ càng nóng. Chính vì vậy mà mọi người đều hạn chế ra ngoài, trên đường những người đi xe máy bịt kín như Ninza. Nhất là chị em phụ nữ họ sợ nắng làm ảnh hưởng đến làn da của mình, cho nên họ lại càng che, quấn kỹ hơn.
Tại một cửa hàng xăng dầu Petrolimex đầu phố, dòng người vẫn tấp nập ra vào mua xăng. Có một thanh niên còn trẻ đứng ở vỉa hè phía bên cạnh cửa hàng như đang chờ đợi ai đó. Trên người nó ăn mặc cũng ngầu, quần bò xẻ gối, áo phông đen, tóc thì màu vàng khè, một bên tai nó có đeo một chiếc khuyên nhỏ. Trông bên ngoài thì như vậy, nhưng bên trong nó là cả một thế giới mệt mỏi, căng thẳng đang diễn ra.Là thanh niên lớn lên ở một vùng quê, học chỉ hết lớp 9 rồi nghỉ, quanh năm quanh quẩn với ruộng nương. Mỗi lần thấy bạn bè đi làm ở xa về, nó thấy sành điệu lắm, ăn mặc, nói năng thấy khác hẳn, đứa thì bảo là làm cho Công ty nước ngoài ở Khu công nghiệp tít tận Hà Nội, đứa thì bảo là bán hàng thuê ở phố. Nó mơ ước được bay nhảy như các bạn. Khổ nỗi là bố nó không đồng ý, bố nó nói: Con chị mày cũng đi lấy chồng xa, tao có mỗi mình mày là con trai, chả phải đi đâu cả, cứ ở đây chịu khó làm ăn rồi cưới một cô vợ và đẻ cho bố nó một thằng cu là ổn.
Nhưng nó không chịu, vào một buổi sáng khi cả nhà đi làm, nó theo bạn bè đón xe xuống Hà Nội để làm việc, tưởng thế nào hóa ra nó vào làm nhân viên của một quán Karaoke. Nó làm việc theo kiểu ngủ ngày, cày đêm, chủ yếu là buổi chiều và buổi tối. Buổi chiều thì còn ít khách, nhưng buổi tối bắt đầu từ 20h trở đi là đông, nhiều hôm dọn dẹp, lau chùi xong cũng đã hơn 3 giờ sáng, mệt nhoài. Từ khi xuống đây nó học được nhiều điều, nhưng mà học cái tốt thì như người leo núi khó và lâu, cái xấu thì như người xuống núi dễ và nhanh lắm.
Hôm qua nhân tiện quán Karaoke tạm nghỉ để sửa chữa, hai đứa chúng nó đi vào trung tâm thương mại ăn uống và chơi game bắn cá. Chơi từ sáng đến chiều thì hết tiền, hai thằng nhấc đít đứng dậy ra về. Đang đi thì chiếc xe máy mượn của bà chủ bỗng khực khực vài tiềng rồi chết máy. Thôi chết rồi hết xăng! làm thế nào bây giờ? Tiền thì đã dốc vào game rồi?... Hai thằng đứng ở góc phố bần thần, bỗng thằng bạn nó nghĩ ra một kế, mắt sáng lên, vít cổ nó thì thầm một dạo. Thấy nó còn tần ngần, bạn nó nói tiếp: “Tao thấy cũng ngon ăn, có mấy chục, không vấn đề gì đâu!”
Trong đoàn người vào đổ xăng, bạn nó dắt xe đi theo hàng lối chỉ sẵn còn nó đi bên cạnh phía ngoài, mắt đảo vòng quanh quan sát. Cửa hàng có ba nhân viên nữ và một nhân viên nam. Các nhân viên nữ thì bán các cột cho xe máy, còn nhân viên nam bán phía ngoài dành cho ô tô. Mỗi người đứng một cột bơm, liên tục giơ tay hướng dẫn xe đỗ vào vị trí cột bơm. Mặc dù xe vào ra liên tục nhưng nhờ các biển báo chỉ dẫn cũng như xi nhan hướng dẫn rất nhiệt tình, chu đáo của các nhân viên, nên không có hiện tượng ùn tắc. Bạn nó dắt xe vào chỗ cột bơm xăng RON 95-IV gần lối ra để tiện bề hoạt động. Đứng tại cột bơm này là một nhân viên nữ có dáng người nhỏ nhắn, cao ráo và nét mặt rất tươi tắn mặc dù trời mùa hè rất oi bức và mệt mỏi. Nó cảm nhận sự vui vẻ ở đôi mắt của cô ấy, mặc dù đeo khẩu trang kín nhưng ánh mắt thì thật sáng, ấm áp, vui vẻ như đang cười với khách hàng. Đến lượt xe của bạn nó, cô nhân viên chỉ vào điểm đỗ trước cột bơm.
- Em mua bao nhiêu tiền?
- Chị bơm cho em 20.000 đồng ạ.
- Em nhận máy về không nhé! Nói rồi chị nhân viên giơ tay chỉ lên màn hình cột bơm, cánh tay nhỏ nhắn nhưng thẳng tắp, dứt khoát. Chỉ một loáng đã bơm xong.
- Hết hai mươi nghìn em nhé. Chị nhân viên thông báo số tiền đồng thời tay chỉ lên màn hình cột bơm.
- Bạn nó nói : “Chị ơi bạn em đang đi vệ sinh, xong rồi ra trả tiền, em dắt xe tạm ra bên cạnh nhé”. Nói rồi bạn nó dắt xe ra bên cạnh cột bơm xăng, ngồi sẵn trên xe. Khi nó ra đến nơi giả vờ thò tay vào chiếc ví rỗng trên tay ra vẻ tìm tờ tiền, trong tích tắc nó nhảy lên xe và định vọt lẹ. bỗng có một bàn tay rắn chắc nhanh như cắt kéo nó lại, còn bạn nó thì đã cao chạy xa bay. Nó thò tay vào túi quần giả vờ dọa: “Tôi có máy lửa, để tôi đi không tôi bật lửa bây giờ!”. Thực chất túi quần nó chả có cái gì, chẳng qua bí quá nó dọa bừa vậy thôi. Nhưng cũng chỉ trong tích tắc nó đã bị bẻ quặt tay ra phía sau. Hóa ra người ca trưởng thấy khả nghi đã để ý hai đứa và khi thấy sự việc xả ra đã chủ động tiếp cận ngay lập tức.
Ngồi trong đồn công an, nó gục đầu xuống lo lắng, thế là toang rồi ông giáo ạ! Nó buộc phải gọi điện cho bố nó từ quê lên giải quyết. Tiếp bố nó là chú công an còn trẻ. Mời bác ngồi, tôi xin thông báo cho bác biết: Con trai bác cùng bạn vào mua xăng không trả tiền và có hành đe dọa nhân viên, mặc dù chưa đạt được mục đích, nhưng như vậy là vi phạm pháp luật. Bác đợi một chút chờ Cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu đến cùng làm việc. Không phải đợi lâu, một người đàn ông trung niên, mái tóc muối tiêu đi vào. Chú công an mời bác ngồi. Người Cửa hàng trưởng bước đến bên ghế ngồi xuống. Đây là bố đẻ của đương sự đến làm việc cùng chúng ta bác Thành ạ. Người Cửa hàng trưởng nhìn bố nó, bỗng nhiên sững lại một lúc rồi thốt lên: “Phúc vâu phải không? Tao là Thành đây, Thành cối 82 đây”! Bố nó cũng ngạc nhiên không kém. “Anh Thành ạ, trời ơi! Bao năm em bặt tin anh, vâng em là Phúc, Phúc vâu của anh đây”. Chú công an đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, mắt tròn xoe! Thấy thế bác Thành quay sang chú công an nói: “Vâng chả dấu gì đồng chí, đây là đồng đội của tôi tại mặt trận biên giới Vị Xuyên – Hà Tuyên năm 1984, bao năm rồi mất thông tin của nhau, không ngờ gặp lại trong hoàn cảnh trớ trêu này”. “Vâng em xin lỗi anh, em đã dạy con không tốt lại liên lụy đến anh, em xin lỗi anh”! mắt bố nó rưng rưng!!!!
(Còn nữa)