(Cảm ơn cuộc thi “Viết về Petrolimex thân yêu” đã cho tôi có điều kiện để kể cho các đồng nghiệp của tôi nghe câu chuyện đời mình)
Tôi sinh ra tại vùng quê nghèo Việt Yên, Bắc Giang, là con thứ hai trong một gia đình có sáu chị em. Bố tôi trước đây là công nhân lái xe của Công ty Xăng dầu khu vực I(*). Năm 1989, trong một lần vận chuyển xăng dầu lên Tây Bắc, khi đi qua đoạn Dốc Cun, Hòa Bình, xe của bố bị bọn cướp tấn công. Trong cuộc chiến đấu để bảo vệ xe hàng, bảo vệ tài sản của đơn vị, bố tôi đã ra đi mãi mãi, năm ấy bố vừa tròn 37 tuổi.
Đó thực sự là một biến cố quá lớn đối với gia đình tôi. Khỏi phải nói, gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn như thế nào khi mà người trụ cột trong gia đình không còn nữa. Mẹ tôi, người đàn bà thuần nông, lam lũ, một mình với 6 đứa con nhỏ, không biết nương tựa vào đâu, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi, còn tôi, khi đó đang học lớp 8.
Như nhiều người thường nói “chết là hết”. Nhưng với gia đình tôi thì không phải như vậy. Khi đó tôi còn quá nhỏ để cảm nhận được những gì đang diễn ra, nhưng qua những gì mẹ kể lại, tôi thấy thật may mắn khi bố được làm việc tại Công ty Xăng dầu khu vực I. Khi bố tôi mất đi, ghi nhận những đóng góp, cống hiến của ông - người công nhân đã chiến đấu đến phút giây cuối cùng để bảo vệ xe hàng, bảo vệ tài sản của Công ty, của Nhà nước, Ban lãnh đạo Công ty đã không quản ngại khó khăn, vất vả, đi lo thủ tục giấy tờ để bố tôi được Nhà nước công nhận là Liệt sỹ, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Trong thời bình, để làm được điều đó không hề đơn giản, với vô vàn các giấy tờ cần chứng minh, xác minh…. Việc bố được công nhận Liệt sỹ có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với gia đình tôi, là niềm an ủi cho mẹ, còn chúng tôi, những đứa trẻ mồ côi – cũng vì thế mà có quyền tự hào, hãnh diện về người cha dũng cảm của mình.
Ba năm sau biến cố ấy, dù đã cố gắng bươn chải, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, mẹ tôi quyết định bán nhà ở quê chuyển cả nhà đi vùng kinh tế mới. Chị tôi đã bỏ học từ lâu đi làm phụ giúp mẹ nuôi các em, bây giờ đến các em tôi phải bỏ học. Chỉ còn tôi, đứa được coi là niềm hy vọng của cả nhà, đang học lớp 11, được ưu tiên gửi lại nhà bác ở quê để đi học tiếp. Trong trí nhớ trẻ thơ của tôi, năm nào cũng vậy, cứ Tết đến, các cô chú cơ quan bố lại về tận nhà thăm hỏi, chúc Tết gia đình, thắp hương cho bố, sau này, khi nhà đã bán đi, các cô chú vẫn đều đặn về nhà bác tôi để gửi quà.
Học xong cấp 3, tôi chọn học trường đào tạo nghề xăng dầu với mong muốn sớm được đi làm để giúp đỡ mẹ và các em. Thật là may mắn, năm 1997, ngay sau khi tốt nghiệp, Công ty đã tiếp nhận tôi vào làm việc tại Tổng kho Xăng dầu Đức Giang. Gia đình tôi đã xúc động biết bao, ngay cả những người hàng xóm cũng phải thốt lên “Sao lại có cơ quan tốt và nhiệt tình đến vậy”. Những ngày đầu đi làm, tôi thực sự bỡ ngỡ và lo lắng. Các cô chú, anh chị làm cùng đã hướng dẫn tận tình cho tôi, giúp tôi hòa nhập, nắm bắt công việc một cách nhanh chóng. Sự thân thiện của mọi người giúp tôi dần bớt đi những mặc cảm, tự tin hơn trong công việc và cuộc sống. Ý thức mình đã may mắn như thế nào, tôi luôn cố gắng, hết mình trong công việc, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm để nâng cao tay nghề, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chị Nguyễn Thị Huệ - Công nhân đội giao nhận , Tổng kho Xăng dầu Đức Giang
Suốt từ khi gia đình di cư vào Nam, tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng, làm thế nào để đón được mẹ và các em ra Bắc đoàn tụ, cho các em tiếp tục được đi học. Có sống trong hoàn cảnh của đứa con gái mới hơn chục tuổi đầu đã mồ côi cha, rồi lại phải rời xa mẹ, xa gia đình, một mình bươn chải, tự lập như một người lớn, mới hiểu được tôi đã nhớ mẹ và các em, thèm một không khí gia đình như thế nào.
Khi bắt đầu có đồng lương ổn định hàng tháng, tôi lần lượt đón dần các em ra ở cùng, lo cho chúng đi học, dù đứa nào cũng bị muộn, đứa thì muộn hai năm, đứa thì ba năm, nhưng dù sao, muộn cũng còn hơn không. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn, éo le của tôi, Ban lãnh đạo, công đoàn và các anh chị đồng nghiệp đã bàn nhau, hô hào ủng hộ, cho vay, quyên góp, người dăm trăm, người vài chục…. cộng thêm những đồng lương dành dụm, chắt chiu. Hai năm, kể từ khi đi làm, tôi đã mua được một mảnh đất nơi quê cũ. Ngày ngôi nhà nhỏ dựng tạm, nhưng thấm đượm nghĩa tình và những giọt mồ hôi của tôi hoàn thành, tôi vui mừng đón mẹ cùng gia đình ra Bắc để ổn định cuộc sống.
Từ cuộc sống nghèo khó, cơ cực, từ những éo le của số phận, trước đây, có nằm mơ, tôi cũng không thể hình dung mẹ con tôi lại có ngày hôm nay. Đây là niềm hạnh phúc quá lớn lao trong cuộc đời tôi. Trải qua quãng thời gian khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, nhưng sự giúp đỡ của cơ quan, đồng nghiệp đã làm thay đổi cuộc sống, thay đổi số phận không chỉ riêng tôi mà cả gia đình tôi. Những tình cảm ấy là động lực để chúng tôi vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, cả sáu chị em tôi đều đã trưởng thành, có gia đình riêng hạnh phúc, có công việc ổn định.
Sau hơn 20 năm kể từ ngày tôi bước chân chập chững vào nghề, Tổng kho Đức Giang hôm nay đã có nhiều thay đổi, khang trang, hiện đại bậc nhất khu vực phía Bắc, những khu bể sừng sững thẳng hàng, những giàn xuất với hầu hết các phân hệ tự động hóa, những vườn hoa, vườn cây rực rỡ sắc màu làm mê đắm lòng người. Chỉ có tình cảm con người với con người, tính nhân văn, trách nhiệm, tình đồng chí, đồng nghiệp là vẫn vậy, chung thủy, sắt son. Câu chuyện về cuộc đời mình tôi mãi xem như đó là câu chuyện cổ tích về tình người. Cảm ơn Petrolimex Hà Nội thân yêu!
(*) Chú thích của BBT Website: Tác giả Nguyễn Thị Huệ là con gái Liệt sỹ Nguyễn Văn Hậu - hy sinh năm 1989 trong khi làm nhiệm vụ.