08:30 SA @ Thứ Năm - 11 Tháng Tư, 2019

(Dành tặng Cửa hàng trưởng Petrolimex Hà Nội- Những đồng nghiệp thân yêu của tôi)

Nhìn bề ngoài rất dễ lầm tưởng làm Cửa hàng trưởng xăng dầu nhàn nhã, được mặc đẹp, ngồi làm việc trong văn phòng không sợ mưa nắng,… nhưng thực ra, đối với công việc đã gắn bó với tôi 16 năm nay thì không hề đơn giản như vậy. Trưởng thành từ nhân viên bán hàng, từ ca trưởng, tôi luôn soi mình với những tiêu chí Cửa hàng trưởng để phấn đấu. Có được vị trí đó không phải chỉ riêng tôi mà tất cả những đồng nghiệp khác, đều phải trải qua gian nan, thử thách mới vinh dự được cấp trên tin tưởng và giao cho một nhiệm vụ như vậy.

Từ khi làm Cửa hàng trưởng, tôi mới thấy được thế nào là sự lo toan, vất vả, áp lực. Công việc quản lý Cửa hàng, quản lý con người - cần khoa học hợp lý. Về chuyên môn nghiệp vụ - cần sự trau dồi, nghiên cứu, học hỏi. Những điều đó, cứ cố gắng tích cực là sẽ làm tốt. Nhưng! Mọi việc đâu chỉ có vậy, thực tế công việc ở cửa hàng luôn phát sinh những vấn đề cần đến sự linh hoạt trong xử lý của Cửa hàng trưởng, bởi những sự vụ xảy ra khó lường trước, mỗi lần một kiểu, đa dạng vô cùng. Đơn cử việc giao tiếp, ứng xử với khách hàng, mỗi khi có “ca” nào khó là anh em nhân viên lại phải nhờ cậy tới tài tháo gỡ của Cửa hàng trưởng. Chính vì vậy chúng tôi phải thường xuyên tích lũy kinh nghiệm, đôi khi phải “cân não” nghĩ ra các phương án giải quyết, để khách hàng yên tâm, tin tưởng.

Tôi còn nhớ ngày 30 tết năm 2017, 100 % anh chị em cửa hàng đều đi làm, vui vẻ, tất bật, khách hàng đông cứ nối đuôi nhau. Tất cả đang vận hành suôn sẻ thì vào cuối giờ chiều có một khách hàng là nam thanh niên thắc mắc: Tại sao mọi hôm xe ô tô của tôi bơm chỉ 500 ngàn là đầy, mà hôm nay bơm tận 700 ngàn là sao? máy móc của các anh chị có vấn đề? Với quy trình bán hàng của Petrolimex và những cẩm nang nghiệp vụ được Công ty đào tạo, nhân viên bán trực tiếp rồi đến ca trưởng đã kiên trì giải thích, nhưng khách hàng vẫn cương quyết khẳng định máy móc có vấn đề và rút điện thoại ra quay, nói sẽ phát trực tiếp trên Facebook, rồi sẽ mời các cơ quan chức năng đến làm việc. Cơn thịnh nộ càng tăng khi trong lúc nhân viên can thiệp đề nghị khách không dùng điện thoại để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, chiếc điện thoại đắt tiền bị rơi xuống đất, nứt màn hình. Vừa lúc đó tôi đi công việc về đến nơi, bèn lao ra ngay hiện trường, đứng im nghe khách mắng xối xả, thấy tôi như vậy, vị khách cũng dần dịu bớt. Thế rồi, sau gần một tiếng đồng hồ, giải thích, trao đổi, kể cả làm thực nghiệm bằng bình chuẩn, vị khách đã ra về cùng cái điện thoại bị hỏng mà không bắt đền, và bây giờ vẫn là khách hàng thân thiết của cửa hàng tôi.

Đấy là việc đối ngoại. Thế còn đối nội thì sao? Cũng không hề đơn giản. Vì chỉ khi anh chị em trong Cửa hàng đồng thuận, trên dưới một lòng, công việc mới trôi chảy được. Để những chủ trương, cơ chế, chính sách của Công ty, Chi nhánh đi vào thực tế, ngấm đến từng người thì vai trò của Cửa hàng trưởng là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi phải làm thế nào để anh em hiểu, tự giác thực hiện. Những cái gì phàm là mới, khi đưa vào áp dụng, thường hay gặp phải tâm lý ngại thay đổi, cả những băn khoăn, thắc mắc….. Đó là lúc chúng tôi phải trăn trở, suy nghĩ, trao đổi, phân tích sao cho anh em hiểu được mục tiêu và sự ưu việt của những chính sách ấy, từ đó cùng nhau triển khai đạt hiệu quả.

Một nhiệm vụ mà Cửa hàng trưởng chúng tôi luôn quan tâm đặt lên hàng đầu - đó là “Tăng trưởng sản lượng”. Cũng đúng thôi, vì đó là chỉ tiêu kế hoạch cấp trên giao, là điều kiện thiết yếu để Cửa hàng tồn tại và phát triển, là yếu tố quyết định đến đồng lương của anh em. Thời đại công nghệ 4.0, được Công ty, đơn vị quan tâm, đầu tư cho cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, thì niềm vui đi cùng với nỗi lo. Lo làm sao thu hút được khách hàng nhiều hơn, sản lượng cao hơn, nhiều người biết đến cửa hàng của mình hơn, làm sao cho xứng đáng với những gì cấp trên đã tin cậy. Niềm trăn trở, suy nghĩ cứ bám theo không rời, nhiều đêm, trong giấc mơ cũng chỉ nghĩ đến hai từ“sản lượng”.

Cửa hàng tôi nằm trên địa bàn có nhiều Khu công nghiệp nhất miền Bắc, có tiềm năng phát triển, nhưng cũng là địa bàn cạnh tranh cực kỳ khốc liệt với rất nhiều thương nhân phân phối xăng dầu. Làm thế nào để tiếp cận được khách hàng công nghiệp? Lại những trăn trở tìm giải pháp, nghiên cứu thật kỹ cơ chế của Công ty để vận dụng, rồi phải tự mày mò hoặc thông qua mọi mối quan hệ có thể để tiếp thị, tìm kiếm hợp đồng. Với góc độ là Cửa hàng, việc đàm phán với những khách hàng có sản lượng lớn một chút là rất khó khăn, lúc ấy lại phải thể hiện tính quyết đoán để khách hàng tin tưởng và sau đó là thông tin, trao đổi kịp thời để nhận được sự hỗ trợ từ đơn vị. Đấy là với những khách hàng có nhu cầu xăng dầu thật sự, làm ăn đứng đắn, chưa kể đến những tình huống dở khóc dở cười của nghề tiếp thị: khi thì bị khách từ chối thẳng thừng, nói như vỗ vào mặt, khi thì ngồi đàm phán hợp đồng bên bàn ăn tối về muộn lại lo chồng có thông cảm cho không, thậm chí có cả những người giả danh mua hàng để có ý đồ xấu ….

Nhưng! Chúng tôi vẫn luôn cố gắng vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi lẽ, đối với chúng tôi, đó là lòng tự trọng trong công việc, là niềm đam mê với nghề. Có sự thấu hiểu, quan tâm của Lãnh đạo đơn vị, sự ủng hộ của anh chị em Cửa hàng, sự tin tưởng, gắn bó của khách hàng, chừng ấy là quá đủ để chúng tôi - những Cửa hàng trưởng Petrolimex Hà Nội- lại mạnh mẽ bước tiếp trên con đường vinh quang và thử thách. Với một niềm tin ở chân lý: phía sau Thử thách là Vinh quang!

Nguồn:  Nguyễn Thị Thơm  -  Cửa hàng trưởng CHXD số 151 - Chi nhánh Xăng dầu Bắc Ninh
Petrolimex Hà Nội