04:35 CH @ Thứ Ba - 07 Tháng Năm, 2019

“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”- mỗi lần nghe lời ca ấy lại thấy lòng nao nao đến lạ. Là một Cửa hàng trưởng được làm việc tại Petrolimex Hà Nội, tôi lại càng cảm thấy tự hào về Thủ đô, tự hào về Công ty thân yêu. Mỗi khi đi giao lưu hoặc tiếp xúc với các Cửa hàng trưởng của đơn vị bạn, khi giới thiệu mình là Cửa hàng trưởng ở Hà nội thì thấy bạn có vẻ cũng nể một chút, tự nhiên mình lại thấy lên vài chân kính.

Đó là vì, làm Cửa hàng trưởng ở Thủ đô chịu áp lực đủ điều, đòi hỏi phải nỗ lực cố gắng không ngừng mới đáp ứng được, nào là đảm bảo nguồn hàng đầy đủ, nào là phải có kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ thì vô cùng nghiêm ngặt. Chỉ cần sơ xảy một chút thì cái giá phải trả khủng khiếp lắm, ảnh hưởng đến thương hiệu, đến công ăn việc làm của người lao động, đến sự tồn tại không những của cửa hàng mình mà còn cả hệ thống…

Mỗi khi có sự kiện chính trị, xã hội lớn, thì bên cạnh niềm vui chung với đồng bào Thủ đô, các Cửa hàng trưởng xăng dầu chúng tôi lại canh cánh nỗi lo đảm bảo an toàn, an ninh trật tự. Ví dụ như khi đón các đoàn nguyên thủ của nước ngoài đến thăm Hà Nội, thì từ lãnh đạo các cấp cho đến người lao động đều phải cùng vào cuộc để các cửa hàng luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có bất kỳ sơ xuất nào xảy ra, bộ mặt cửa hàng luôn khang trang, sạch đẹp. Hay như khi đội tuyển bóng đá U23 của Việt nam chiến thắng trong các giải đấu ở tầm cỡ Khu vực và Châu lục, anh chị em cửa hàng chúng tôi thường là thức trắng đêm để bảo vệ an toàn, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Nhìn những người hâm mộ đổ ra đường ăn mừng cờ rong trống mở, những cô gái Thủ đô tươi như những đóa hoa rực rỡ với nụ cười đẹp đến tan chảy. Ấy thế mà chúng tôi không dám ngó nghiêng bình phẩm dù chỉ một giây, chỉ mong sao cho niềm vui sớm khép lại để anh em còn được nghỉ ngơi mặc dù lòng mình thì quá yêu đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Cánh Cửa hàng trưởng vẫn nói đùa với nhau chúng mình có thính giác đặc biệt nhạy cảm với tiếng còi hú của xe cứu hỏa. Chỉ cần nghe văng vẳng đằng xa thôi, thì ngay cả ban đêm đang ngủ cũng giật mình thức giấc, bật dậy nghe ngóng xem xe chạy về hướng nào. Có khi còn cẩn thận bốc điện thoại gọi hỏi anh em đang trực cửa hàng để chắc chắn mọi sự vẫn bình yên.

ss
cs

Nói đến tiếng còi xe, tôi lại nhớ đến một kỷ niệm khi làm tại cửa hàng trong nội đô. Đặc thù của các cửa hàng trọng nội thành là phải nhập hàng vào ban đêm. Mỗi một đêm cửa hàng tôi nhập bình quân 4 xe ô tô xi téc đảm bảo tối đa sức chứa để ngày mai đủ hàng bán, khi nhập xong cũng là khoảng 2 đến 3 giờ sáng. Vào một buổi đêm lúc đó khoảng 12h, khi đang nhập xe thứ 3 thì có một chiếc xe con tiến vào sát hàng rào di động phía trước cửa hàng, vì trong lúc nhập hàng thì theo quy định đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ phải ngừng bán hàng. Chính vì vậy Ca trưởng chủ động tiến ra nói với người lái xe vừa bước xuống: “Xin lỗi anh!, chúng tôi đang nhập hàng nên tạm dừng bán hàng để đảm bảo an toàn. Khi nào nhập xong chúng tôi sẽ lại tiếp tục bán”. Thấy thế người lái xe bần thần, nói nhanh “Anh xem có cách nào giúp tôi không, tôi từ Hưng yên đưa bố đi cấp cứu ở bệnh viện, ông cụ bị suyễn không thở được. Vội đi không để ý bình xăng đã cạn, cố đến đây thì vừa hết”. Nghe rõ đoạn nói chuyện giữa Ca trưởng và khách hàng xong, tôi tiến ra phía họ. Phải nói đây là trường hợp đầu tiên tôi gặp, xử lý sao đây? Nếu không bán cho họ thì sẽ nguy kịch đến tính mạng bệnh nhân? bán thì không được- đó là vi phạm?, hay hút xăng ở bình xe máy của mình ra rồi đổ vào cho họ?. Nhưng đêm tối thế này tìm vòi ống ở đâu, rồi cũng nguy hiểm cháy nổ khi hút nếu tràn vãi… Đầu óc rối như tơ vò, nhưng tôi tự nhủ phải thật bình tĩnh để tìm ra cách xử lý hay nhất. Bỗng một tia sáng lóe lên, đúng rồi! Mình gọi cấp cứu 115 ở ngay gần đây. Tôi trao đổi với anh khách hàng phương án xử lý của mình và anh nhất trí. Tôi bấm điện thoại gọi cấp cứu, nói rõ tình trạng bệnh nhân cho trung tâm biết. Chỉ 4 phút sau tiếng còi xe cứu thương đã kêu ròn rã tới gần cửa hàng. Bác sỹ khám sơ bộ cho bệnh nhân, cho uống thuốc tạm thời và thở ô xy rồi nhanh chóng đưa vào bệnh viện. Xe chuyển bánh đi, tiếng còi xa dần mà tôi thấy như trút được một gánh nặng ngàn cân, tự nhiên thấy tiếng còi trong sương đêm nay cũng thật ý nghĩa. Mấy hôm sau, một người thanh niên đến cửa hàng, Anh nói rằng “Thay mặt gia đình xin cảm ơn các anh chị Cửa hàng xăng dầu Petrolimex đã giúp gia đình kịp thời cấp cứu cho bố tôi tai qua, nạn khỏi, cụ đã xuất viện”.

Vâng công việc của chúng tôi còn nhiều vất vả, khó khăn, nhưng yêu ngành, yêu nghề ta sẽ vượt qua tất cả. Tháng 5 đã đến, toàn dân đang tích cực Hưởng ứng tháng An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ. Thay bằng những khẩu hiệu chung chung, mỗi người lao động Petrolimex bằng những hành động, việc làm thiết thực nhất hãy làm cho nơi làm việc của mình trở nên Xanh - Sạch - Đẹp, An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ, tuyệt đối tuân thủ những quy trình, quy định, không bao giờ được lơi là mất cảnh giác. Một nghìn người làm tốt, chỉ một người sơ xảy là sẽ xảy ra thảm họa, xóa đi bao nhiêu công sức, thành quả của cả một tập thể đang ngày đêm xây dựng đơn vị.

Với mỗi người lao động của Petrolimex, 12 tháng trong năm đều là tháng ATVSLĐ - PCCN, và mỗi ngày trôi qua bình yên là một ngày hạnh phúc!

Nguồn:  Đặng Đình Tưởng  -  Cửa hàng trưởng CHXD số 82 - Xí nghiệp bán lẻ Xăng dầu
Petrolimex Hà Nội