04:37 CH @ Thứ Năm - 22 Tháng Tư, 2021
Có một bộ phận công việc không thể thiếu nhưng không phải ai cũng biết tới!
a
Hình ảnh nhân viên bán lẻ xăng dầu, nhân viên giao nhận xăng dầu là những hình ảnh quen thuộc của ngành xăng dầu, hình ảnh mà bất kỳ ai đều sẽ liên tưởng ngay khi nhắc tới nghề Xăng dầu, bởi đây là những công việc liên quan trực tiếp tới khách hàng, người tiêu dùng; Nhưng có một bộ phận người lao động đang ngày đêm miệt mài, làm việc hăng say đóng góp một phần công sức bé nhỏ của mình hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý, điều hành, đảm bảo nguồn hàng đáp ứng nhu cầu về kinh doanh của Công ty Xăng dầu khu vực 1 và các Công ty xăng dầu tuyến sau của Petrolimex. Đó là bộ phận công nhân đo tính hàng hóa thuộc phòng Quản lý hàng hóa (QLHH) của Tổng kho Xăng dầu Đức Giang; đây là bộ phận riêng có ở Tổng kho. Hàng ngày không phân định trời mưa, trời nắng, mùa đông, mùa hạ… những con người nhỏ bé như những chú ong thợ cần mẫn thức giấc và ra khỏi nhà lúc 4h30’ sáng hàng ngày để đúng 5h00’ có mặt tại Tổng kho thực hiện nhiện nhiệm vụ, cứ 2 người một cặp, mỗi cặp thực hiện đo tính 13 bể chứa, làm sao phải hoàn thành công việc đo tính 26 bể chứa và kết thúc trước 7h00 sáng để Tổng kho bước vào giờ xuất hàng cho các xe xitec theo quy định.
a
Sau khi kết thúc việc đo tính hàng hóa tại khu bể chứa, các anh chị lại cùng các đồng nghiệp khác trong phòng thực hiện nhiệm vụ cập nhật chứng từ, số liệu vào phần mềm quản lý…
a
Bên cạnh các công việc hàng ngày nêu trên, các thành viên còn trực tiếp tham gia vào quá trình đo tính xuất hàng Wagon (xuất đường sắt), thực hiện đo tính hàng hóa vào bất kỳ thời gian nào trong ngày khi Tổng kho có kế hoạch nhập hàng, dồn bể, chuyển bể để tạo nguồn, …
a
Nghe thì cảm giác công việc của các anh/chị cũng không có gì khó khăn vất vả nhưng chúng ta cứ thử tưởng tượng, ngày nào cũng như ngày nào, nắng cũng như mưa, nóng cũng như lạnh cứ 4h30’ sáng các anh/chị ra khỏi nhà tới cơ quan, 5h00 sáng bắt đầu thực hiện công việc, mỗi nhân viên ít nhất một ngày thực hiện việc leo lên, xuống 13 bể chứa, tương ứng với leo lên, xuống từ 800-1000 bậc cầu thang để thực hiện nhiệm vụ, sau đó lại cập nhật hồ sơ, số liệu lên phần mềm quản lý, …. chúng ta sẽ thấu hiểu sự nhọc nhằn, vất vả của công việc.
a
Nếu không thực sự yêu nghề, không gắn bó với đơn vị, tôi thiết nghĩ khó có người lao động nào có thể gắn bó được lâu dài với công việc này.
Hình ảnh vào ca của nhân viên đo tính hàng hóa
a
Những con người Mộc mạc, Chân tình và trách nhiệm.
a
Là đồng nghiệp của các anh/chị cũng nhiều năm (người nhiều nhất cũng 20 năm, người mới nhất cũng hơn 5 năm), nhưng với bất kỳ ai, ở họ tôi đều thấy toát lên sự yêu nghề, sự say mê với công việc; dù đặc thù công việc nhiều khó khăn, nhọc nhằn là vậy, nhưng luôn thấy được sự chỉn chu, nghiêm túc trong công việc ở họ, một số lần do yêu cầu công việc được đồng hành cùng các anh/chị thực hiện nhiệm vụ, tôi nhận thấy các anh/chị tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy trình trong thực hiện công việc, chuẩn bị và kiểm tra rất kỹ lưỡng phương tiện bảo vệ cá nhân (BHLĐ), dụng cụ phục vụ cho công việc như: thước đo, thuốc thử nước, thuốc cắt xăng dầu, ….
a
Khi vào việc, những đôi chân thoăn thoắt, vững vàng trên từng bậc thang lên, xuống từng bể chứa thực hiện công việc đo tính hàng hóa, cứ vậy leo lên, rồi lại leo xuống từ khi mặt trời còn chưa thức giấc, nhiều đồng nghiệp khác còn đang say giấc cho tới khi mọi người vào ca thì các anh/chị đã kết thúc công đoạn đầu của công việc, đảm bảo điều kiện để các đồng nghiệp khác có thể triển khai xuất hàng hóa cho các phương tiện vận chuyển. Ấy vậy mà chưa bao giờ tôi thấy các anh/chị than khó, kể khổ, có chăng khi tâm sự về công việc các anh/chị chỉ mong muốn sao có sức khỏe tốt, đôi chân dẻo dai để còn gắn bó với nghề lâu hơn.
a
Được hỏi có khi nào cảm thấy nản với nghề không? chị Nguyễn Thị Ngọc Lâm cho biết: Nản ư? Có chứ, thời gian đầu khi vừa chuyển việc từ công nhân giao nhận thuộc đội giao nhận về làm công nhân đo tính hàng hóa của phòng QLHH, với nhiều bỡ ngỡ trong công việc, từ cách cầm thước đo thế nào để có độ chính xác, đến việc đóng mở các van công nghệ ra sao cho an toàn, không bị nhầm lẫn van của các mặt hàng, … chị đều phải tìm hiểu, học hỏi lại từ đầu, đồng thời với giờ giấc làm việc rất đặc thù, con còn nhỏ, gia đình hai bên nội ngoại đều ở xa, những ngày mưa rét nhiều khi cũng làm mình cả nghĩ, nản và muốn chuyển việc. Xong nghĩ lại mình cũng thấy ngành nghề nào cũng vậy, đều có cái khó, cái khổ riêng, mình phải kiên trì thì mới làm tốt được công việc, mới có thể trở thành nhân viên tốt, trở thành người có ích cho tập thể.
a
Chị Nguyễn Thị Ngọc Lâm miệt mài xử lý, cập nhật số liệu
a
Là người nhanh nhẹn, hoạt bát chị Lâm được giao phụ trách công việc giao nhận hàng hóa trên tuyến ống K132, đo giao nhận hàng hóa nhập tại bể nhập xà lan, trực tiếp đo bể trước và sau khi nhập, xuất hàng hóa, tham gia giám sát, chứng kiến công tác lấy mẫu tại các bể chứa. Dù công việc nhiều nhưng với đồng nghiệp chị luôn giữ thái độ hòa nhã, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ. Với đồng nghiệp trẻ bên cạnh việc tận tình hướng dẫn chị cũng luôn đòi hỏi các bạn làm việc cẩn thận, chắc chắn, đảm bảo an toàn, vì theo chị đó là những yêu cầu phải có của ngành nghề mà các anh/chị đang làm.
a
Gắn bó với nghề gần 20 năm, chị Trần Thị Thanh Thủy cũng cho biết, nghề đã đem lại cho chị rất nhiều điều tốt đẹp và ý nghĩa, chị có nhiều đồng nghiệp chân tình và vô vàn những kỷ niệm đẹp. Chị nói chị yêu Tổng kho, yêu công việc của mình rất nhiều, vì với chị đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
a
Vậy đó, những con người làm nhiệm vụ tiên phong trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex Hà nội vẫn luôn hăng say, nhiệt huyết, tình cảm họ dành cho công việc, cho đồng nghiệp và tập thể cứ chân thành, mộc mạc nhưng vô cùng ấm áp và bền bỉ.